Funan Techo - dự án kênh đào 1,7 tỷ USD nhiều tham vọng của Campuchia

Campuchia lên kế hoạch hợp tác với công ty Trung Quốc xây kênh đào Funan Techo, được kỳ vọng giúp tận dụng tiềm năng vận tải đường thủy và phát triển kinh tế.

Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 19/5/2023 phê chuẩn dự án Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac, còn gọi là kênh đào Funan Techo, sau khi hoàn tất 26 tháng nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia môi trường, xã hội, kỹ thuật.

Chính phủ Campuchia kỳ vọng dự án sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng vận tải đường thủy bằng cách kết nối sông Mekong ra Vịnh Thái Lan, từ đó tăng cường các hoạt động kinh tế - xã hội của nước này.

Tháng 7/2023, Campuchia thiết lập ủy ban liên bộ để triển khai dự án. Tháng 10 cùng năm, giới chức Campuchia ký thỏa thuận cho phép Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Phối cảnh một đoạn trong dự án kênh đào Funan Techo. Ảnh:

Phối cảnh một đoạn trong dự án kênh đào Funan Techo. Ảnh: Troryorng Media

Campuchia cho rằng kênh đào Funan Techo sẽ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, thiết lập các cửa ngõ logistics và thương mại, tạo thêm việc làm, thúc đẩy quy hoạch, đô thị hóa và phát triển thị trường bất động sản, phát triển "cực kinh tế thứ tư" của nước này.

"Cực kinh tế" là những khu vực địa lý tập trung hoạt động kinh tế. Campuchia xác định 5 cực kinh tế của đất nước gồm các tỉnh Phnom Penh, Preah Sihanouk và Siem Reap cùng hai vùng đông bắc và tây bắc đất nước.

Các quan chức chính phủ và giới phân tích Campuchia tin dự án sẽ tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa từ cảng tự trị Phnom Penh đến cảng nước sâu ở tỉnh Sihanoukville, giúp giảm khoảng 16% chi phí vận tải.

Theo Khmer Times, kênh đào Funan Techo dự kiến dài 180 km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Kênh đào đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.

Funan Techo dự kiến có chiều rộng 100 m ở thượng nguồn, 80 m ở hạ nguồn, sâu 5,4 m, gồm độ sâu điều hướng (navigation depth) 4,7 m và biên an toàn 0,7 m, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa. Kênh có hai làn, các phương tiện có thể ra vào và tránh nhau an toàn.

Dự án có chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên, dự kiến do công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao. Hình thức này cho phép bên thi công vận hành và thu lợi nhuận trong khoảng 50 năm.

Thời gian xây dựng kênh đào dự kiến kéo dài trong khoảng 4 năm. Theo tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet, người kế nhiệm ông Hun Sen vào tháng 8/2023, khẳng định nước này "không vay tiền từ Trung Quốc để thực hiện dự án", nhấn mạnh công ty Trung Quốc là bên chịu rủi ro tài chính. Bộ trưởng Giao thông vận tải Campuchia Peng Ponea nói kênh đào Funan Techo dự kiến khởi công cuối năm nay, trong khi CRBC vẫn chưa hoàn tất đánh giá về tính khả thi của dự án.

Kênh đào Funan Techo. Đồ họa: ST

Kênh đào Funan Techo. Đồ họa: ST

Tuy nhiên, Funan Techo cũng làm dấy lên một số quan ngại về môi trường và kinh tế, thậm chí một số người cho rằng kênh đào có thể tạo điều kiện cho tàu chiến Trung Quốc từ Vịnh Thái Lan đi sâu vào nội địa Campuchia.

Vấn đề gây quan ngại hàng đầu của dự án này là nguy cơ thay đổi dòng chảy của sông Mekong. Các nghiên cứu do Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, trụ sở tại Mỹ, tiến hành cho thấy kênh đào khi được xây dựng sẽ đóng vai trò như một con đập, ngăn nước từ thượng nguồn chảy tới những khu vực quan trọng ở hạ nguồn sông Mekong.

Việc chuyển hướng dòng chảy từ sông Mekong vào kênh đào Funan Techo có thể tạo ra vùng trũng ngập ở phía bắc con kênh và vùng khô hạn ở phía nam. Điều đó sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động nông nghiệp, đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật trong khu vực.

Quá trình thi công cũng đòi hỏi phải di dời lượng lớn trong 1,6 triệu dân hiện sinh sống dọc hai bên kênh đào dự kiến. Điều này sẽ tạo ra nhiều gián đoạn, bất tiện cho nhiều cộng đồng dân cư, theo Chương trình Đông Nam Á.

Campuchia đã một số lần lên tiếng bác bỏ những quan ngại này. Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cho hay kênh đào Funan Techo "hoàn toàn phục vụ lợi ích kinh tế xã hội", đồng thời khẳng định kênh Funan Techo sẽ không ảnh hưởng đến dòng nước trên sông Mekong.

Bản đánh giá tác động môi trường do Campuchia nộp cho Ủy hội sông Mekong cho rằng việc bố trí ba đập đường thủy dọc kênh đào sẽ giúp đảm bảo "kiểm soát hiệu quả" xả nước, ngăn thay đổi dòng chảy sông Mekong.

Ông Hun Sen ngày 9/4 cũng bác thông tin cho rằng dự án kênh đào Funan Techo có thể tạo điều kiện cho chiến hạm Trung Quốc đi vào sông Mekong.

"Lý do nào để Campuchia cho quân đội Trung Quốc vào nước mình và vi phạm hiến pháp? Tại sao Trung Quốc lại đưa quân sang Campuchia, động thái trái nguyên tắc tôn trọng độc lập của Campuchia?", ông viết trên mạng xã hội X.

Hiện chưa có nhiều thông tin công khai về cách thức Campuchia dự định triển khai để giảm thiểu tác động của dự án kênh đào Funan Techo đến cuộc sống của người dân ở khu vực liên quan dòng chảy sông Mekong. Giới quan sát cũng hoài nghi tính khả thi của dự án, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.

"Tôi chưa hiểu Trung Quốc hưởng lợi thế nào từ dự án. Tôi không thể tưởng tượng được cảnh Trung Quốc muốn chi 1,7 tỷ USD cho dự án này và xây dựng trong 4 năm tới", Murray Hiebert, nhà phân tích tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) trụ sở Mỹ, nói.

Trong họp báo ngày 11/4, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong và quốc tế trong chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của công trình đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sống trong khu vực.

"Việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong sẽ phục vụ cho sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của cộng đồng dân cư ven lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các nước ven sông", ông Việt nói.

Theo Vnexpress (Theo Khmer Times, Nikkei)